Lịch sử Tiên Lãng

Huyện Tiên Lãng xưa có tên gọi Bình Hà, Tân Minh, Tiên Minh, đến cuối thế kỷ XIX, vào triều Nguyễn mới đổi gọi là Tiên Lãng, thuộc tỉnh Hải Dương.

Từ 17 tháng 2 năm 1906 đến trước năm 1945, Tiên Lãng thuộc tỉnh Kiến An, và nay là một huyện của thành phố Hải Phòng. Qua các tư liệu sử học và khảo cổ học thì từ xa xưa, vùng đất Tiên Lãng đã là điểm tụ cư của người Việt cổ.

Trong những thư tịch của các nhà hàng hải, thương nhân châu Âu (chủ yếu là người Anh và người Hà Lan) có liên quan đến xứ Đàng Ngoài trong thế kỷ XVII - XVIII thì ngoài 2 đô thị chính lúc đó là Kẻ Chợ (Thăng Long) và phố Hiến còn nhắc nhiều đến 2 địa danh khác là Batsha (một số tài liệu viết là Batshaw hay Battshaw) và Domea. Về vị trí chính xác của địa danh Batsha, nơi được các nhà hàng hải châu Âu khi thì gọi là một làng chài, khi thì được gọi là bến cảng (port, habour), cho đến nay các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ vẫn chưa thống nhất. Tựu trung là sự tranh cãi giữa 2 quan điểm: quan điểm thứ nhất cho rằng địa danh Batsha trong các thế kỷ XVII - XVIII thuộc khu vực Đồ Sơn - Kiến Thụy gần cửa sông Văn Úc hiện nay, còn quan điểm thứ hai cho rằng Batsha thuộc địa bàn huyện Tiên Lãng ngày nay ở nơi gần cửa sông Thái Bình.

Tuy nhiên, địa danh Batsha không chỉ có vai trò quan trọng đối với những thuyền buôn phương Tây trên con đường thương mại của xứ Đàng Ngoài. Những nhà hàng hải hay thương nhân châu Âu khi đến đây còn quan tâm đến hiện tượng thủy triều đặc biệt ở vùng cửa sông Đàng Ngoài. Francis Davenport, một nhân viên của Công ty Đông Ấn Hà Lan là một trong những người đã quan sát và ghi chép về hiện tượng thủy triều ở Batsha vào khoảng cuối thập niên 70 của thế kỷ 17 để cảnh báo những nguy hiểm cho các tàu buôn đến từ châu Âu khi đi vào vùng cửa sông Đàng Ngoài. Những ghi chú của Francis Davenport sau đó đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học nổi tiếng đương thời và cả những thế kỷ về sau đối với cơ chế hoạt động của thủy triều trên Trái Đất.

Edmond Halley, Isaac Newton (trong tác phẩm Principia Mathematica, 1687[2]) và Pierre-Simon Laplace (trong tác phẩm Exposition du système du monde, 1796[3]) đều có bàn về hiện tượng thủy triều ở một nơi họ gọi là cảng Batsha của vương quốc Đàng Ngoài (Tunquin, Tunking hay Tonkin).

Trong khi đó các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ đã xác định gần như chính xác khu vực nơi có thương cảng Domea ở các thế kỷ XVII - XVIII giờ thuộc địa bàn làng An Dụ, xã Khởi Nghĩa, phía bắc huyện Tiên Lãng ngày nay. Domea, một cảng cửa khẩu quốc tế quan trọng của xứ Đàng Ngoài khi đó, đóng vai trò như tiền cảng của Phố Hiến, nơi hiếm hoi trên toàn lãnh thổ Việt Nam lúc đó, ng­ười nư­ớc ngoài, trong đó chủ yếu là ngư­ời Hà Lan đư­ợc thật sự tự do sinh sống và buôn bán. Cùng với những biến động của lịch sử, Domea cũng như Phố Hiến sau thời kỳ hưng thịnh đã rơi vào suy tàn.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945 và sau năm 1954, huyện Tiên Lãng thuộc tỉnh Kiến An.

Từ ngày 27 tháng 10 năm 1962, Tiên Lãng thuộc thành phố Hải Phòng do sáp nhập tỉnh Kiến An vào thành phố Hải Phòng, gồm 19 xã: Bạch Đằng, Cấp Tiến, Chấn Hưng, Đại Thắng, Đoàn Lập, Hùng Thắng, Khởi Nghĩa, Kiến Thiết, Minh Đức, Quang Phục, Quyết Tiến, Tiên Cường, Tiên Minh, Tiên Thắng, Tiên Thanh, Tiên Tiến, Toàn Thắng, Tự Cường, Vinh Quang.

Ngày 18 tháng 5 năm 1981, chia xã Chấn Hưng thành 2 xã: Bắc Hưng và Nam Hưng.

Ngày 18 tháng 3 năm 1986, thành lập 2 xã Đông Hưng và Tây Hưng thuộc vùng kinh tế mới.

Ngày 17 tháng 2 năm 1987, thành lập thị trấn Tiên Lãng, thị trấn huyện lỵ huyện Tiên Lãng trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Minh Đức.

Ngày 23 tháng 11 năm 1993, thành lập xã Tiên Hưng trên cơ sở giải thể nông trường Vinh Quang và một phần diện tích của xã Vinh Quang.

Ngày 10 tháng 1 năm 2020, sáp nhập xã Tiên Hưng vào xã Vinh Quang và sáp nhập xã Tiên Tiến vào xã Quyết Tiến.[4]

Huyện Tiên Lãng có 1 thị trấn và 20 xã như hiện nay.